Phòng Quản lý chất lượng & Nghiên cứu khoa học được thành lập theo quyết định số 354/QĐ-CĐCN-TCHC của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (nay là trường Cao đẳng Công Thương miền Trung). Phòng gồm có các chức năng và nhiệm vụ, cụ thể như sau:
1. Chức năng
Phòng Quản lý chất lượng & Nghiên cứu khoa học có chức năng tham mưu, giúp Ban giám hiệu quản lý, tổ chức và triển khai thực hiện các công tác Đảm bảo chất lượng giáo dục, thanh tra, quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; quản lý hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và thực hiện các nhiệm vụ khác của nhà trường do Hiệu trưởng giao.
2. Nhiệm vụ
– Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục
+ Giúp Hiệu trưởng triển khai thực hiện đường lối, chính sách, các văn bản pháp quy về công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng, xây dựng và phát triển hệ thống quản lý chất lượng đào tạo; thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của quốc gia, khu vực và quốc tế;
+ Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác tổ chức, chỉ đạo và triển khai kế hoạch đảm bảo chất lượng, tự đánh giá chất lượng trường, tích lũy các tài liệu, minh chứng phục vụ cho công tác tự đánh giá, phối hợp với các đơn vị trong trường, quản lý và hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá chất lượng của Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung;
+ Giám sát các hoạt động đào tạo của trường theo đúng quy định chung của pháp luật về kiểm định chất lượng;
+ Xây dựng và tuyên truyền văn hoá chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động đảm bảo chất lượng để các đơn vị, cá nhân trong và ngoài trường biết nhằm nâng cao nhận thức chung về công tác đảm bảo chất lượng, khẳng định vị thế của trường;
+ Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng hệ thống công cụ đánh giá; chương trình đào tạo, việc giảng dạy của giảng viên, việc học tập của học sinh – sinh viên và tham gia xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo của trường;
+ Tổ chức tập huấn cho CBVC, người lao động trong trường về công tác kiểm định chất lượng;
+ Thực hiện khảo sát ý kiến của các bên liên quan về chất lượng đào tạo của nhà trường; xử lý, phân tích dữ liệu thu được và đưa ra các đề xuất nâng cao chất lượng đào tạo;
+ Tham mưu cho Hiệu trưởng về công tác tổ chức các hội thi, hội thảo, công tác đánh giá kỹ năng tay nghề đối với giảng viên và học sinh – sinh viên.
– Công tác thanh tra
+ Tham mưu cho Hiệu trưởng về ban hành các quy trình, quy định cụ thể về công tác thanh tra của nhà trường; xây dựng kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện thanh tra theo kế hoạch đã định; ra quyết định thanh tra; văn bản kết luận thanh tra và các quyết định có liên quan sau thanh tra;
+ Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo; Việc thực hiện mục tiêu, kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, quy chế đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ, việc thực hiện các quy định về giáo trình, bài giảng ở mọi loại hình, cấp học và trình độ đào tạo trong trường;
+ Thanh tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý tài chính, tài sản, khoa học công nghệ, công tác tổ chức cán bộ và điều kiện cần thiết đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường;
+ Thanh tra việc thực hiện quy chế giảng dạy, tổ chức thi cử… đối với cán bộ, giảng viên và việc chấp hành các quy chế học tập, thi cử… đối với học sinh – sinh viên thuộc các hệ đào tạo trong trường;
+ Giúp việc Hiệu trưởng tiếp công dân, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác đào tạo và quản lý theo đúng quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo của nhà nước; phát hiện và phản ánh kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong đào tạo và quản lý đào tạo, thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật.
– Quản lý khoa học
+ Phổ biến các văn bản liên quan trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Xây dựng quy chế hoạt động khoa học và công nghệ của trường theo chế độ quản lý khoa học và công nghệ của Nhà nước, của Bộ Công Thương. Quản lý việc thực hiện các quy chế, chế độ nghiên cứu khoa học thống nhất trong toàn trường;
+ Xây dựng kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn và dài hạn về hoạt động khoa học và công nghệ của trường. Tham mưu cho Hiệu trưởng về phương hướng, chủ trương, quy định về quản lý hoạt động Khoa học và công nghệ của trường;
+ Hướng dẫn các đơn vị trong trường thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Chủ trì việc tổ chức hội thảo chuyên đề, hội nghị khoa học và công nghệ, xét duyệt, nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ của trường;
+ Lập kế hoạch triển khai, giám sát tiến độ thực hiện đề tài khoa học và công nghệ các cấp do nhà trường chủ trì, quản lý;
+ Tổ chức công tác biên soạn, biên tập các ấn phẩm, thông tin khoa học và công nghệ của nhà trường;
+ Đề xuất khen thưởng và xử lý các vi phạm liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ;
+ Phối hợp với phòng Kế hoạch – Tài chính lập phương án phân bổ, quản lý chi phí hoạt động khoa học và công nghệ ;
+ Đề xuất các giải pháp huy động các nguồn lực về: tài chính, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của trường;
+ Thực hiện việc hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ;
+ Xác nhận khối lượng nghiên cứu khoa học của CBVC. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về khoa học và công nghệ trong trường;
+ Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có chức năng chỉ đạo, quản lý và đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong HSSV; tổ chức các hội thi HSSV nghiên cứu khoa học trong phạm vi trường.
+ Thống kê công tác NCKH hàng năm và báo cáo theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền.
– Công tác quản lý hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO
+ Tham mưu cho Hiệu trưởng về xây dựng chính sách, mục tiêu chất lượng, kế hoạch thực hiện mục tiêu chất lượng và triển khai các văn bản liên quan đến công tác ISO của nhà trường;
+ Định kỳ rà soát và phối hợp với các đơn vị rà soát, chỉnh sửa kịp thời các quy trình hoặc xây dựng mới và hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và công tác quản lý của nhà trường; giám sát các hoạt động của nhà trường theo tiêu chuẩn ISO;
+ Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra đánh giá nội bộ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ đánh giá ngoài về công tác ISO của nhà trường.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Phòng QLCL & NCKH do Hiệu trưởng giao.