Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, nó góp phần tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực và cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng cá nhân.

Thực hiện mục tiêu đề ra của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 có ít nhất 30% và đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Vì vậy, những năm gần đây, Bộ GD và ĐT cũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng cường các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Toàn cảnh buổi Hội thảo tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS

 

Chiều ngày 07/03, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã tổ chức hội thảo tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS năm 2019 nhằm phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp cho công tác tư vấn hướng nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh.

Về tham dự hội thảo có Thầy Dương Bình Luyện – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, Thầy Bùi Thành Nam – Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Tuy Hòa, cùng đại diện Ban Giám hiệu, quý thầy cô giáo đến từ các trường THCS: Nguyễn Hữu Thọ, Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Võ Văn Kiệt, Trần Cao Vân, Trần Rịa, Nguyễn Thái Bình, Huỳnh Thúc Kháng, An Thọ, An Hiệp.

Qua triển khai, hội thảo đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo, giáo viên các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh nhà. Hội thảo đã nhận được 45 bài tham luận và nhiều ý tưởng, góp ý gửi về cho Nhà trường.

TS. Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày những thực trạng trong công tác phân luồng THCS hiện nay ở nước ta tại buổi Hội thảo

 

Tại hội thảo, Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung đã trình bày những thực trạng trong công tác phân luồng THCS hiện nay ở nước ta. Công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nó góp phần tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực theo trình độ, phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh cá nhân, nhằm xây dựng xã hội học tập và cơ hội học tập suốt đời… Tuy nhiên, trên thực tế việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng nếu có sự chung tay góp sức của toàn xã hội sẽ thực hiện được mục tiêu do Đảng và Nhà nước đề ra.

Thầy Dương Bình Luyện – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên phát biểu trong buổi Hội thảo

 

Thầy Dương Bình Luyện – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Phú Yên giới thiệu tới hội thảo thực trạng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS ở Phú Yên đã có những bước đi cụ thể hơn từ năm 2012 đến nay, đồng thời cần xây dựng thêm các giải pháp vừa cụ thể, vừa lâu dài, tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới và đề án phân luồng học sinh sau THCS của Chính phủ để thu hút 30% thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi rẽ sang con đường học nghề, nhanh chóng đi vào lao động, sản xuất.

Thầy Bùi Văn Son – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo đã giới thiệu công tác phân luồng học sinh tại Trường THCS Trần Hưng Đạo năm học 2017-2018 và các giải pháp phân luồng học sinh năm học 2018-2019. Thầy chỉ rõ để tăng cường công tác phân luồng học sinh thì hệ thống dạy nghề cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được đề xuất nhằm đảm bảo cơ cấu tuyển sinh, cơ cấu đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Thầy Huỳnh Mạnh Nhân – Phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo Trường CĐ Công Thương miền Trung với tham luận “Học nghề hay đại học: Vẫn còn lắm băn khoăn”. Việc lựa chọn học đại học hay học nghề thì hầu hết đích đến cuối cùng của học sinh và gia đình là sau khi tốt nghiệp tìm được một việc làm tốt, có nhiều quyền lợi. Thầy chia sẻ dù học đại học hay học nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) cơ hội việc làm đều rất lớn dành cho các em sau khi tốt nghiệp. Người có bằng cấp cao chưa chắc được hưởng quyền lợi cao. Hãy lựa chọn cho mình con đường phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, cố gắng trao dồi kiến thức, rèn luyện tốt kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình học tập thì thành công sẽ đến với các bạn.

Thầy Võ Văn Lợi – Giám đốc Trung tâm dịch vụ MITC – Trường CĐ Công Thương miền Trung đưa đến hội thảo tham luận “Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại trường CĐ Công Thương miền Trung”. Công tác đào tạo gắn liền với nhu cầu sử dụng lao động đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như nhiều khó khăn và thách thức lớn. Để hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển dạy nghề thời kì 2011 – 2020: “Đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo;…” thì các cấp, các ngành, Nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp cần có nhiều tiếng nói chung hơn nữa.

Việc phân luồng học sinh trong giáo dục đã đặt ra nhiều năm nay tuy nhiên hiệu quả vẫn thấp dù đã có nhiều đề án, chỉ thị, nghị quyết bàn về vấn đề này. Để đạt được mục tiêu phân luồng THCS, công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS và THPT góp một phần đáng kể. Thầy Quang – Trường THCS An Thọ góp ý “Hiện nay số lượng học sinh sinh viên của trường còn ít do đặc thù khu vực miền núi, hoàn cảnh gia đình học sinh khó khăn nên việc tư vấn hướng nghiệp, phân luồng sớm cho học sinh là điều hết sức cần thiết, công tác này cần được làm nhanh và mạnh hơn nữa giúp các em định hướng tốt trong việc chọn ngành nghề học, sau này có việc làm ổn định hơn”. Cô Phương – Trường THCS Trần Cao Vân cho biết thêm “Đa số phụ huynh định hướng cho con em mình sau khi tốt nghiệp THCS nên tiếp tục học lên THPT, nhưng không nắm rõ được tâm lý, học lực của con cũng như hoàn cảnh gia đình mình. Một số phụ huynh khác thì không nắm rõ chương trình đào tạo nghề của các trường, các thông tin mới của chính phủ về phân luồng học sinh THCS nên không biết tư vấn con em mình thế nào đành tiếp tục theo lối mòn cũ cho con học tiếp lên cấp 3”. Cô Phương cũng đề nghị lãnh đạo các Sở, lãnh đạo Trường nên đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp hơn nữa để phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Cô đánh giá đây là một hội thảo chất lượng, bổ ích, trang bị thêm nhiều thông tin giúp giáo viên, phụ huynh học sinh định hướng tốt hơn cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Cô Phương – Trường THCS Trần Cao Vân phát biểu ý kiến trong buổi Hội thảo

 

Hội thảo cũng chỉ rõ để có nguồn nhân lực cân đối hài hòa ở các ngành, các lĩnh vực trong đời sống xã hội, khắc phục tình trạng đào tạo mà không gắn với nhu cầu lao động thì phải chú trọng vai trò của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, đó là tiền đề cho việc phát triển và cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cả nước và của từng địa phương, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tổ chức phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS là giải pháp căn bản để giúp mỗi gia đình, mỗi học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng “nghề” và hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội. Nếu công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông tốt sẽ giảm bớt áp lực thi cử, tiết kiệm thời gian, chi phí cho gia đình và học sinh. Hiện nay chính phủ cũng đã có chương trình hỗ trợ vay vốn cho người học, miễn phí học phí, miễn phí ký túc xá, học tập sau 2 năm có thể được tham quan thực hành trực tiếp tại các doanh nghiệp… nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất, phát huy hết khả năng của người học, mục tiêu cuối cùng mà việc phân luồng học sinh muốn nhắm đến là học sinh sau khi học tập sẽ có việc làm ngay, có mức lương ổn định phục vụ nhu cầu bản thân và mang lại lợi ích cho xã hội.

Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung cũng đã giới thiệu đến hội thảo hơn 30 sản phẩm, mô hình nghiên cứu khoa học do học sinh và giáo viên trường thực hiện.

Đoàn tham quan các mô hình nghiên cứu khoa học do  học sinh và giáo viên Nhà trường thực hiện

 

Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS có rất nhiều con đường lựa chọn: học tiếp lên THPT hoặc học lên trung cấp; cũng có thể vừa đi làm vừa học tiếp lên THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; hoặc học sinh cũng có thể trực tiếp đi làm ngay để kiếm sống …

Hội thảo giúp nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin thêm cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về vấn đề học nghề, xóa bỏ quan điểm bằng cấp “đẹp”, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường nhân lực thời kỳ 4.0, đảm bảo sự cạnh tranh về  thị trường lao động của các nước trong khối kinh tế ASEAN (AEC).

Thế Anh